Thảo Dược Nguyên Quân

ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO TRỊ CHỨNG LIỆT DƯƠNG, DI TINH

Thứ Hai, 17/09/2018
Chị Trang

Đông trùng hạ thảo, hay còn gọi là hạ thảo đông trùng, một vị thuốc quý của Đông y với tên khoa học là Cordyceps sinensis (Berk) Sacc., 

 Đông trùng hạ thảo.

Đông trùng hạ thảo, hay còn gọi là hạ thảo đông trùng, một vị thuốc quý của Đông y với tên khoa học là Cordyceps sinensis (Berk) Sacc., họ Nhục tòa khuẩn (Hypocreacea), có một xuất xứ khá phức tạp, nó chứa đựng  trong mình một lai lịch của cả hai thế giới: động vật và thực vật, vừa là "trùng" lại vừa là "thảo", tức vừa là "con" lại vừa là "cây". Về hình dáng bên ngoài, phần thân của đông trùng hạ thảo trông  cũng giống như một con sâu và phần đầu cũng giống như một cái chồi cây. Trên thực tế, đông trùng hạ thảo là sự cộng sinh của một giống nấm ký sinh trên sâu non của loài sâu có tên là Helialus armoricanus Oberthur, thuộc họ cánh bướm. Loại ấu trùng của sâu này thường sống trong mùa đông, vì lẽ đó mà có tên là "đông trùng" và chúng thường sống ở dưới các lớp đất trên núi, có độ cao từ 3.000 - 4.000m so với mặt biển, thức ăn của chúng là các mầm non của một cây họ nghể (polygonum viviparum L.), trông như cây biển súc, tức là cây rau xương cá ở ta vậy. Sau khi nấm ký sinh vào những con sâu non này, chúng hút các chất dinh dưỡng của sâu để sống và phát triển. Đương nhiên là sâu sẽ dần dần bị chết vì kiệt sức. Đến mùa hạ, với thời  tiết, khí hậu thích hợp, nấm sinh ra cơ chất, rồi mọc chồi khỏi mặt đất, trong khi đó, gốc vẫn dính liền vào đầu con sâu. Vì vậy nhìn nó vừa có dáng dấp của một con sâu, lại vừa có sắc thái của một cái cây. Do vậy mà vị thuốc được mang danh: đông trùng hạ thảo. 

Tác dụng sinh học của đông trùng hạ thảo

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu vị thuốc trên thực nghiệm, thấy rằng, vị thuốc có các tác dụng sinh học rất quý như: làm tăng rõ rệt lượng máu tim của thỏ, với tim ếch cô lập và tại chỗ đều làm tim đập chậm lại, nhưng sức bóp không tăng; làm giãn cơ trơn khí quản động vật thí nghiệm; hạ huyết áp trên chó đã gây mê, khi tiêm tĩnh mạch với liều 0,1-0,5ml hoặc 1ml/kg thể trọng đều thể hiện hạ huyết áp, sau 10 phút huyết áp trở lại bình thường; có tác dụng an thần và gây ngủ; ức chế ruột và tử cung cô lập; ức chế trực khuẩn lao, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, ức chế một số nấm ngoài da; có tác dụng chống lão hóa; ức chế tế bào ung thư. Với liều 15-200mg/kg thể trọng chuột nhắt đã gây ung thư phúc mạc, được uống liền 7 ngày chế phẩm của đông trùng hạ thảo thấy rằng thời gian sống của chuột kéo dài hơn so với nhóm chứng.

Những ứng dụng lâm sàng của đông trùng hạ thảo 

Đông trùng hạ thảo được coi là vị thuốc quý vì bản thân nó chứa tới 25-32% chất protid, khi thủy phân bởi các chất enzym trong cơ thể sẽ cho nhiều acid amin như glutamic, prolin, histidin, valin, oxyvalin, arginin, phenyllalanin và analin. Ngoài ra còn có tới 8,4% chất lipid, trong đó acid béo no chiếm 13%, acid béo không no chiếm 82,2% (trong đó, acid linolic 31,7%, acid linilenic 68,31%). Từ đông trùng hạ thảo còn phân lập được D- mannitol hoặc cordycepin, 3- deoxyadenosine.

Theo YHCT, đông trùng hạ thảo có vị ngọt, tính bình. Quy kinh can, thận. Công năng bổ tinh khí, bổ can, thận, chỉ huyết,  hóa đàm. Dùng trị liệt dương, di tinh, hoạt tinh. 

Ở những quý ông có "cậu nhỏ" khó vực dậy" hoặc những cơ địa "tinh không bền", không chủ động được việc kiểm soát "tình hình chiến sự", thậm chí là di tinh... nên dùng đông trùng hạ thảo làm bột uống riêng ngày 3 - 6g trước khi đi ngủ, uống liền 2-3 tuần.

Để tăng cường tác dụng có thể phối hợp với một một số vị thuốc khác như: đông trùng hạ thảo 6g tán bột, hòa vào nước sắc của các vị dâm dương hoắc 8g, ba kích, hà thủ ô đỏ, mỗi vị 12g. Ngày dùng 1 thang, chia 2-3 lần uống.

Nếu bị hoạt tinh, di tinh, thêm kim anh 10g, khiếm thực 10g vào thang thuốc trên. Cách làm tương tự, uống một liệu trình 2-3 tuần liền.

Nếu bị viêm phế quản mạn tính, ho hen lâu ngày, có thể dùng đông trùng hạ thảo 8g (tán bột), tang bạch bì 10g, tiểu hồi 2g, cam thảo 4g, khoản đông hoa 6g, cách làm như trên, uống 2-3 lần trong ngày, uống liền 3 - 4 tuần lễ. Ngoài ra còn dùng trong bệnh đau lưng, đau xương cốt, phối hợp với đỗ trọng, cẩu tích, tục đoạn...

Cần biết thêm rằng, để chữa các bệnh suy yếu sinh lý nam, ở nước ta, người ta còn dùng nhộng của con sâu (Brihaspa atrostigmella, thuộc họ sâu cánh bướm Lepidopterae),  sống trong thân cây chít hay còn gọi là cây đót (Thysanoloena maxima Kuntze, họ lúa Poaceae), sau khi rửa sạch bằng cách thả vào chậu nước muối loãng, vớt ra, để ráo nước rồi đem rang nhỏ lửa hoặc sấy khô. Đem sâu chít tẩm với mật ong, sao khô hoặc sấy khô để làm vị đông trùng hạ thảo.

Vì đông trùng hạ thảo rất đắt, do đó ở một số vùng ở nước ngoài (TQ) người ta thường dùng các con "nhộng cỏ" Cordyceps millitaris (L.) Link rồi qua gia công chế tác để nó giống với vị đông trùng hạ thảo chính danh. Vì vậy, khi dùng cần phải chú ý phân biệt để tránh dùng phai đông trùng hạ thảo giả.

Viết bình luận của bạn